NỘI DUNG
Sau khi cắm mặt vào demo cài đặt Kali Linux trong nội dung Giải ngố Virtualization – Phần 3: Hướng dẫn cài đặt Kali Linux trên VMware Workstation chi tiết nhất Thái Dương hệ cũng như tung tóe với Ubuntu trong Serie Hướng dẫn tạo VPN Server miễn phí từ A đến Z, tôi chợt nhận ra đến giờ tôi vẫn chưa một lần đề cập cụ thể về Linux. Do vậy hôm nay tôi quyết định quay ngược thời gian để trả lời một câu hỏi quan trọng “Linux là gì?”
#1 Linux là gì?
Trả lời ngắn gọn đây là tên của một Operating System – OS (tiếng Việt gọi là hệ điều hành, giống như Windows và Mac OS. Tôi nói thế để dễ hình dung vì đa số người dùng quen thuộc với hai OS nói trên nhưng thực tế Windows và Mac OS phải gọi Linux bằng cụ (Tôi nghe đồn Windows và Mac OS là hàng “đạo” ý tưởng của Linux. Ngoài ra, nếu bạn chưa biết thì một nhân vật nổi tiếng khác là Android cũng dựa trên Linux).
Vậy câu hỏi tiếp theo: “Hệ điều hành là gì?”. Câu hỏi này làm tôi sực nhớ lại giờ thực hành tin học trong mấy năm học cấp II trường làng, khi mà cả đám ngồi treo mỏ để đến lượt sờ mó con máy bàn thần thánh (éo le ở chỗ là tôi chỉ nhớ được vậy thôi chứ không nhớ ra lúc đó tôi học định nghĩa hệ điều hành là gì).
Quay về vấn đề chính, sau khi đào bới tôi tìm thấy một cái định nghĩa dễ tiêu hóa:
Hệ điều hành là phần mềm quản lý tất cả tài nguyên phần cứng của thiết bị hay nói cho dễ hiểu hơn là quản lý giao tiếp giữa phần mềm và phần cứng.
Tổng thể thế thì ok rồi nhưng mà tôi muốn cụ thể hơn nữa:
Linux OS cho Desktop thường bao gồm các thành phần chính:
- Bootloader: Đây là phần mềm quản lý quá trình khởi động của máy tính. Với gà mờ thì nó chỉ là vài cái chớp nháy trên màn hình trước khi khởi động vào hệ điều hành chứ không có gì đặc sắc (tuy nhiên đến lúc máy bị trục trặc thì nó sẽ có cơ hội tỏa sáng);
- Kernel: Kernel là phần lõi tinh túy nhất của những gì tạo nên Linux với nhiệm vụ quản lý đám phần cứng;
- Init system: Đây là hệ thống con có chức năng khởi động khu vực làm việc cho người dùng cũng như kiểm soát các Deamon (Deamon là gì bạn nhìn xuống đoạn dưới). Thằng phổ biến nhất trong đám này là Systemd có chức năng quản lý quá trình khởi động sau khi nhận bàn giao từ Bootloader (như thằng GRUB);
- Daemons: Đám này là các services (hay dịch vụ) chạy ngầm phụ trách các phần như in ấn, âm thanh,… được kích hoạt trong quá trình khởi động hoặc sau khi bạn login vào hệ thống;
- Graphical server: Đây cũng là hệ thống con có chức năng hiển thị thông tin lên màn hình. Tên cúng cơm của nó là X server hay ngắn gọn là X (nghe cứ như mật danh điệp viên ấy).
- Desktop environment: Cái này thì dễ hình dung vì là môi trường để người dùng tương tác. Một số dạng thường gặp là GNOME, Cinnamon, Mate, Pantheon, Enlightenment, KDE, Xfce. Mỗi dạng sẽ có các application tích hợp như trình quản lý file, cộng cụ cấu hình, web browser, đặc thù.
- Applications: Cái đám ứng thì khỏi nói nhiều vì nó tương tự như Windows và Mac OS. Bạn cũng sẽ có mấy cái kiểu như Store để vô lựa hàng theo nhu cầu sử dụng.
Có thể bạn muốn xem thêm về Kernel: Giải ngố Virtualization – Phần 1: Bước chân vào thế giới ảo – Dummytip
Có thể bạn muốn xem thêm về GRUB: Giải ngố Virtualization – Phần 3: Hướng dẫn cài đặt Kali Linux trên VMware Workstation chi tiết nhất Thái Dương hệ – Dummytip
Đến đây tôi nghĩ khái niệm “Linux là gì” cũng tương đối rõ rồi. Tuy nhiên, nếu bạn đang yên đang lành với Windows hay Mac OS thì điên sao lại đi đâm đầu tìm hiểu Linux cho nó mệt óc. Điều này dẫn đến câu hỏi kế tiếp.
#2 Vì sao nên xài Linux?
Tôi thấy đây là câu hỏi này tối quan trọng vì thật tình không ai muốn mất thời gian để tìm hiểu thêm cái thứ rắc rối này trong khi “hàng dựng sẵn” như Windows hay Mac OS xài tẹt ga luôn rồi. Sau khi nghiên cứu, tôi nghiệm ra 2 điều sau:
- Điểm trọng tâm thứ nhất đó là “tiền”. Với Linux (trừ mấy bản Enterprise như tôi đề cập sau), bạn được phép ngẩng cao đầu nói “Anh xài Open Source nên đừng nói chuyện tiền bạc với anh”. Với Windows bản quyền, nếu mua nghiêm chỉnh bạn mất ít gì cũng vài chai. Còn Mac OS đi kèm với thiết bị Apple thì mắc lòi kèn khỏi phải bàn rồi (Chủ đề crack Win dạo hay Hackintosh đầy tranh cãi tôi xin bàn trong một diễn biến khác).
- Điểm thứ hai tương đối hơi khó hình dung hơn đó là khả năng tùy chỉnh cực mạnh giúp bạn duy trì độ tin cậy của thiết bị cũng như kiểm soát chặt chẽ mối nguy từ đám Malware.
Có thể bạn muốn xem thêm về Malware: Giải ngố Malware – Phần 1: Malware có phải là Virus không? – Dummytip
Có thể bạn muốn xem thêm về tùy chỉnh tăng cường bảo mật với Linux: Bảo mật kết nối VPN – Phần 1: Đặc quyền khi tự quản lý VPN Server – Dummytip

Nguồn: www.linuxfoundation.org
Tôi tua lại đoạn trên tí, chữ Open Source (mã nguồn mở) nghe rất sướng tai nhưng tôi cần biết cụ thể nó muốn nói cái gì. Với Open Source bạn được phép:
- Tự do sử dụng cho mọi mục đích;
- Tự do nghiên cứu cách thức hoạt động và thay đổi tùy ý (tất nhiên phải biết cách);
- Tự do phân phối lại các bản copy cho người khác;
- Tự do phân phối cả các bản chỉnh sửa của bạn cho người khác.
Với nguyên tắc trên thì quả thật Linux là “operating system that is by the people, for the people”, hay theo thuật ngữ chuyên môn là hệ điều hành “của dân và vì dân”.
#3 Linux Distribution là gì?
Nếu thông tin Mục 2 khiến bạn gật gù muốn bắt tay vào vọc vạch Linux ngày thì gượm đã. Linux là cái tên nói chung thôi, để bắt đầu bạn cần biết cái khái niệm Linux Distribution cái đã.
Linux Distribution (hay gọi tắt là Distros) có thể hiểu đơn giản là các phiên bản khác nhau của hệ điều hành Linux. Cái Distros này nó khác hẳn cái kiểu Windows 10/Windows 7 vì đây là các phiên bản tồn tại và phát triển song song theo các “khẩu vị” người dùng chứ không phải là bản cập nhật của nhau. Cái này nó gần gần với kiểu các phiên bản Home, Pro hay Server của ông Windows ấy.
Rồi, giờ đến một số Linux Distros phổ biến cho Desktop:
- Linux mint
- Manjaro
- Debian
- Ubuntu
- Antergos
- Solus
- Fedora
- Elementary os
- Opensuse
Với nhánh Server, các Linux Distros phổ biến bao gồm:
- Ubuntu server
- Centos
- Red Hat Enterprise Linux
- Suse Enterprise Linux
Lưu ý:
- Red Hat Enterprise Linux and Suse Enterprise Linux có có hỗ trợ kỹ thuật nên bạn sẽ phải tốn phí (chứ ngồi support mà hít khí trời để sống thì cũng khó).
- Nếu muốn biết thông tin chi tiết hơn về các Distro thì bạn có thể mò vào distrowatch.com nhé

Với cái đám thông tin trên thì tóm lại bây giờ bạn chọn cái Distros nào đây. Trên thực tế, việc này phụ thuộc vào 3 yếu tố sau:
- Nhu cầu: Bạn cần xác định vọc chơi hay định dùng nghiêm túc; xài Desktop đơn thuần hay chủ yếu chiến với Server;
- Trình độ: Cần nhìn nhận khách quan bạn là gà mờ thứ thiệt hay là dạng hổ báo cáo chồn để chọn 1 Distro có độ khó phù hợp;
- Khẩu vị: Cái này thì tùy mỗi người, bạn có thể thích một Distro cụ thể vì giao diện, tính năng hỗ trợ hay chỉ đơn giản “bố thích thế thì sao nào!”.
Trong trường hợp bạn tò mò muốn biết thì 2 con hàng trong tầm ngắm của tôi và Ubuntu server và Kali Linux (thuộc nhánh Debian) tương ứng với 2 nhóm nhu cầu Server và Desktop. Và nhắc lại, ở đây bạn lựa chọn dựa trên “liên hệ thực tiễn bản thân” chứ không có không có đáp án tốt nhất cho tất cả mọi người đâu nhé.
4 thoughts on “Giải ngố Linux – Phần 1: Linux là gì?”