Kết thúc nội dung Giải ngố Virtualization – Phần 2: 4 điều cơ bản cần biết trước khi sử dụng VMware Workstation, hy vọng bạn đã chuẩn bị cài cắm xong VMware Workstation cũng như file cài đặt của Kali Linux. Nếu chưa thì thôi bạn chịu khó tua lại kỳ trước để xem và chuẩn bị đi nhé vì kỳ này tôi sẽ nhảy vô các bước cài đặt Kali Linux ngay chứ không có dạo đầu gì đâu đấy.
Rồi, 1…2…3 dzô!
Với tùy chọn Create a New Virtual Machine sau khi mở VMware Workstation, bạn chọn tiếp phương án Typical (phương án Custom dành cho nhóm không phải gà mờ nên bạn có thể quay lại thử sau).
Kế tiếp bạn Browse đến vị trí chứa file ISO Kali Linux và Next.
Vì đang cài Kali Linux nên hiển nhiên phần OS bạn sẽ chọn Linux rồi. Đối với phần Version thì bạn chọn Debian 64-bit tương ứng với file ISO Kali Linux đã download. Cái vấn đề Debian và Kali Linux thì tôi xin phép bàn vào lúc khác để không chen ngang cái câu chuyện cài đặt hôm nay.
Kế tiếp, phần Virtual machine name và Location thì bạn chơi tùy ý thôi. Nhưng chọn xong nhớ lưu lại thông tin để sử dụng khi cần.
Trong phần tiếp theo bạn chọn dung lượng ổ cứng (để test chơi thì mặc định 20 GB là ok rồi) và phương án lưu file của máy ảo. Thông thường tùy chọn Split virtual disk into multiple files sẽ tiện cho việc di chuyển máy ảo có dung lượng không quá lớn.
Sau bước này thì bạn sẽ thấy cái thông tin tóm tắt lại các thứ mình đã làm. Bạn nhớ soi lại cái coi có nhầm gì không trước khi tiếp tục chọn Customize Hardware.
Đến vị trí này, bạn sẽ được phép tùy chọn cấu hình phần cứng cho máy ảo bao gồm Memory (RAM), Processors (CPU), Network Adapter, …Tuy nhiên, vì đây là lần test xé tem đầu tiên nên tạm thời bạn có thể chỉnh thử RAM lên 4GB. Phần CPU thì bạn có thể chơi tạm với 1 cũng được. Với phần Network Adapter thì bạn cứ để mặc địn NAT (phần này quan trọng và có thể hiệu chỉnh được nên tôi bàn kỹ sau). Lưu ý chỗ New CD/DVD (IDE) nó sẽ hiển thị vị trí file ISO bạn đã chọn trong bước trước đó. Xác nhận ok hết rồi thì bạn bấm Close.
Lưu ý: Nếu máy thật của bạn chạy RAM cỡ 4 – 8 GB thì thôi để 2 GB luôn đi. Trường hợp xấu nhất thì bạn cho xuống mức tối thiểu 1 GB. Nhưng cần lưu ý là mức tối thiểu chạy sẽ ức chế vcl đấy.
Đến chỗ này thì cơ bản là bạn xong phần cấu hình phần cứng rồi đấy. Việc tiếp theo thì đơn giản là bấm Power on this virtual machine để bật VM lên thôi.
Ở bước kế tiếp bạn sẽ thấy thông báo tùy chọn cài đặt Kali Linux. Ở đây để chơi Easy Mode thì bạn để mặc định Graphical install thôi.
Tiếp tục, bạn chọn ngôn ngữ cài đặt. Thực tế bạn muốn chơi tiếng gì cũng được nhưng để search lỗi cho dễ thì English là phương án tốt nhất (chọn xong thì Continue nhé).
Tiếp tục là đến phần Location, cũng như trên, bạn thích chọn đâu cũng được nhưng tôi để luôn USA cho nhanh.
Sau đó, đến phần Keyboard thì tôi chọn đại American English.
Sau bước trên và bấm Continue, bạn ngồi treo mõm chờ nó dò Media tí.
Tiếp tục, ở phần Configure the network thì bạn có thể thấy thông báo lỗi. Bạn cứ kệ mịa nó, bấm Continue thôi.
Như tôi nói trên, phần này cho phép cấu hình sau nên bạn chọn Do not configure the network at this time rồi Continue.
Kế đến, bạn nhập tiếp Hostname. Hiển nhiên, bạn dùng gì cũng được nhưng phải nhớ lưu thông tin lại để sử dụng.
Tiếp theo là đến phần Full name for new user. Cũng như trên, bạn chọn tùy ý và lưu lại thông tin.
Rồi, tiếp tục qua phần thiết lập username.
Rồi đến password và confirm password. Chỗ này thì bạn chắc chắn không được quên nhé (phá pass thì cũng có phương án nhưng thôi đừng tự bón hành cho mình làm gì).
Kế đến là phần Configure the lock. Ở đây tôi chọn đại Samoa cho nhanh (chỗ này hình như là cái đảo chỗ nhà của ông Luke Hobbs trong phim The Fate of the Furious hay sao ấy).
Rồi, đến phần quan trọng Partition disks đây. Ở đây bạn đang thử nháy đầu tiên nên chơi phương án dễ nhất là Guided – use entire disk.
Kế đến là chọn ổ đĩa. Nếu bạn không làm thêm gì khác thì cứ để tùy chọn mặc định rồi Continue thôi.
Ở mục tiếp theo, bạn sẽ chọn Partitioning scheme (tạm dịch là phương án phân vùng ổ đĩa). Lựa chọn khuyến nghị cho gà mờ sẽ là All files in one partition.
Xong phần này thì bạn sẽ thấy thông báo tóm tắt. Nếu không có nhầm lẫn gì thì bạn chọn Finish partitioning and write changes to disk và Continue thôi.
Kế đến nó lại hỏi bạn lại một lần nữa là có Write the changes to disks không. Sợ gì khỉ gì, bạn cứ liều ăn nhiều, chọn Yes rồi Continue thôi.
Tới đây thì bạn lại tiếp tục đực mặt ngồi nhìn nó cài đặt (hoặc tranh thủ qwerty cái cho tỉnh người!).
Rồi, tiếp đến Configure the packet manager. Để nhanh thì bạn chọn Yes tương ứng với câu hỏi Continue withou a network miror? để load minimal base system.
Lưu ý: Nếu bạn chọn No thì sẽ móc nối đến các liên kết bên ngoài để cập nhật thêm phần mềm cho hệ thống. Ở đây tôi đang test cái đầu thiên nên chơi minimal cho nhẹ đầu.
Tiếp tục đến phần Software selection, bạn chơi cấu hình mặc định theo môi trường chuẩn và tool mặc định thôi (phần chỉnh sửa khi nào quen thì bạn hãy làm).
Rồi, giờ lại đến một phần quan trọng khác là GRUB boot loader. Ở đây bạn chọn Yes cho câu hỏi có cài vào Master Boot Record rồi Continue.
Lưu ý: GRUB boot loader là viết tắt của Grand Unified Bootloader, nói ngắn gọn là trình khởi động máy tính. Master Boot Record thực chất là tên gọi của một chuẩn quản lý thông tin phân vùng đã cũ nhưng vẫn còn xài được (thằng mới hơn là GPT). Ở hình sau, Master Boot Record được dùng với ý chỉ đến vị trí một Sector cụ thể trên ổ cứng chứa thông tin về các phân vùng của hệ thống.
Tiếp tục, bạn chọn vị trí cài GRUB boot loader như mặc định.
Lại tiếp tục chờ đến khi thấy thông báo Installation complete như bên dưới thì Continue.
Nếu mọi chuyện êm đẹp, bạn sẽ lết đến đến phần đăng nhập vào hệ thống. Tại đây, bạn nhập username và password thiết lập ở bước trên.
Và nếu bạn thấy cái giao diện như bên dưới thì Oh, Yeah! Xin chúc mừng. Bạn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cài đặt Kali Linux trên VMware Workstation cấp độ gà mờ rồi đấy.
Để có thể tiếp tục vọc vạch với con Kali Linux này, bạn sẽ cần triển thêm các thiết lập tùy chỉnh khác nữa. Tuy nhiên tôi sẽ bàn thêm về vấn đề này trong một kỳ khác nhé.
4 thoughts on “Giải ngố Virtualization – Phần 3: Hướng dẫn cài đặt Kali Linux trên VMware Workstation chi tiết nhất Thái Dương hệ”