NỘI DUNG
Sau khi làm một phát demo mì ăn liền với Kali Linux trong Phần 3: Hướng dẫn cài đặt Kali Linux trên VMware Workstation chi tiết nhất Thái Dương hệ, tôi hy vọng bạn đã có cái nhìn tổng quát về việc tạo máy ảo với VMware. Tuy nhiên, việc khởi động và đăng nhập thành công vào con máy ảo cũng mới chỉ là bước khởi đầu. Việc tạo máy ảo với VMware để sử dụng thực tế (chứ không phải đăng nhập vào xem rồi tắt) sẽ còn liên quan đến một số nội dung quan trọng khác. Và trong kỳ này tôi muốn tập trung nhấn mạnh về việc cài đặt và sử dụng VMWare Tools trên Kali Linux (Windows và các Linux Desktop Distros khác cũng cần xài VMWare Tools. Ở đây tôi làm trên Kali Linux để liền mạch với nội dung demo trước đó).
#1 VMware Tools để làm gì?
Quay trở lại với con Kali Linux trong kỳ trước, sau khi đăng nhập bạn sẽ thấy thông báo về việc cài đặt VMWare Tools để kích hoạt các tính năng về chuột, video và hiệu năng như sau.
Ngoài ra, còn có một tính năng nghe rất đơn sơ nhưng cực kỳ quan trọng là Copy/Paste giữa Host và Guest (máy ảo).
Đọc đến đây có thể bạn trề môi bảo toàn thứ vớ vẩn, quan trọng éo gì đâu (thú thật hồi mới nghe tôi cũng thấy vậy!). Tuy nhiên, đến lúc bắt tay vào sử dụng con máy ảo thật sự và phải làm việc với các dòng lệnh dài ngoằng trên Terminal (kiểu như CMD trên Windows) tôi mới bắt đầu thấm thía ý nghĩa của tính năng Copy/Paste giữa Host và Guest.
Lưu ý: Trước khi sang mục tiếp theo, bạn cần kiểm tra nhanh để xác nhận tình hình bằng cách Copy file từ Host rồi chuột phải trong máy ảo Kali Linux và kiểm tra xem có phải tùy chọn Paste đã bị disable không.
#2 Cài đặt VMware Tools trên Kali Linux
Sau khi xác nhận thông tin ở Mục 1, bạn tiến hành cài đặt VMware Tool bằng click chọn vào nút Install Tools ở thông báo nói ở đầu bài hoặc chuột phải vào tên máy ảo rồi chọn Install VMWare Tools…. (nếu đã lỡ tay tắt).
Trường hợp bạn ăn ở tốt, quá trình cài đặt sẽ diễn ra tự động và khá nhanh (bạn chỉ việc đồng ý và Next cho đến khi xong việc thôi). Tuy nhiên, đời thường không như mơ, có thể bạn sẽ bị cái lỗi sau tương vào mồm.
Trong trường hợp này, bạn cứ Yes để tiếp tục. Sau đó, trên cái Desktop, bạn chuột phải vô cái VMware Tools rồi Open.
Khi đó nó sẽ mở ra cái thư mục kiểu như sau.
Bạn lại chuột phải vô file .gz chọn Extract to, rồi chọn vị trí extract ra Desktop (mấy cái khác để mặc định là được).
Quay ra Desktop và chui vô cái thư mục vmware-tools-distrib mới, tạo bạn sẽ thấy kiểu như này.
Tại thư mục này, bạn lại chuột phải và chọn Open Terminal Here để mở giao diện dòng lệnh.
Lưu ý: Nếu mở Terminal ở vị trí khác thì bạn phải dùng lệnh cd để di chuyển đến thư mục vmware-tools-distrib. Do vậy, nếu chưa quen làm trên Terminal thì tốt nhất bạn chơi kiểu Open Terminal Here cho khỏe người.
Sau đó, trên Terminal, bạn gõ sudo ./vmware-install.pl để bắt đầu quá trình cài đặt.
Lưu ý:
– Chữ sudo là để bạn để nâng quyền user hiện tại (user testkali) lên superuser để cho phép quá trình cài cắm/ ghi dữ liệu không bị lỗi permission;
– File .pl là Perl script (Perl là ngôn ngữ lập trình).
Lúc này nó phọt ra cả đống thứ hầm bà lằng nhưng tạm thời bạn cứ Enter cho nó chạy với thông tin mặc định là được. Kết thúc đoạn này nếu thấy thông báo “…Enjoy, –the VMware team” trong Terminal như sau là ngon.
#3 Kiểm tra kết quả cài đặt VMware Tools
Theo thông báo trên thì bạn đã có các tính năng “guest resolution fit, drag and drop and file and text copy/paste” như tôi nói ở đầu bài và bạn cần Restart lại để kích hoạt.
Lưu ý:
Đồng thời lúc này bạn cũng sẽ có thể thấy màn hình cũng tự “bung lụa” ra đẹp hơn lúc đầu và khi chuột phải vô tên máy ảo sẽ thấy tùy chọn Reinstall VMware Tools…ý cho biết việc cài cắm đã êm đẹp.
Sau khi khởi động và đăng nhập lại, lúc này nếu thử copy 1 file từ Host vào máy ảo bạn sẽ thấy tùy chọn Paste đã hoạt động.
Trường hợp bạn vẫn không thực hiện được Copy/Paste thì cần chuột phải vào tên máy ảo để mở Settings…
Sau đó, bạn chuyển qua Tab Options và chọn Mục Guest Isolation để kiểm tra xem đã Enable tính năng này chưa.
Lưu ý quan trọng: Nếu bạn dự định làm các công việc “nóng” như test Malware trên con máy ảo này thì đừng nên kích hoạt các tùy chọn trong Guest Isolation và cần bảo đảm vấn đề quản lý Network trên VMware để bảo vệ cho Host (kỳ tới tôi sẽ bàn kỹ hơn về vấn đề Network).
1 thought on “Giải ngố Virtualization – Phần 4: Cài đặt VMware Tools cho Kali Linux”