Giải ngố VPN – Phần 3: 4 điều phải biết về giải pháp sử dụng miễn phí VPN

Tiếp theo nội dung Phần 2: 4 bước thiết lập nhanh VPN không cần cài phần mềm, kỳ này tôi sẽ bàn về vấn đề sử dụng VPN miễn phí như đã hứa trước đó. Và như mọi loại hình dịch vụ khác, câu hỏi “nên xài miễn phí hay trả phí?” cũng là câu hỏi đáng xem xét cho dịch vụ VPN. Câu hỏi này tưởng chừng có đáp án rõ ràng là giải pháp miễn phí tuy nhiên tôi nghĩ chỗ này câu hỏi đúng phải là “có thực sự có dịch vụ VPN miễn phí?“. Cũng như lúc đánh giá về dịch vụ Proxy miễn phí, tôi vẫn giữ vững quan điểm “không ai hít khí trời mà sống được“. Cho nên tôi nghĩ các đại ca cung cấp dịch vụ miễn phí hiển nhiên vẫn phải kiếm ăn bằng cách thu thập “cái gì đó” (ngoài tiền) từ người dùng. Để làm rõ “cái gì đó” là cái gì cũng như các nội dung quan trọng khác, trong phần này, tôi sẽ tập trung bàn về 4 vấn đề chính như sau.

1. Bạn tìm cái gì từ dịch vụ miễn phí?

Như tôi đã trình bày ở cuối Phần 2, để có thể bắt đầu sử dụng, bạn cần biết thông tin VPN Server cũng như phương pháp xác thực tương ứng với protocol đã chọn. Tôi trình bày lại ngay ví dụ đã nói lần trước để dễ hiểu.

Các tùy chọn Type of sign-in info
Các tùy chọn Type of sign-in info và protocol của thiết lập VPN

Như vậy với ví dụ này tôi đang sử dụng protocol (tương ứng cái VPN type phía trên) PPTP, đăng nhập bằng username password. Với thông tin đó, tôi bắt đầu mổ cò vào thanh tìm kiếm của Google từ khóa “free vpn server pptp” và sút đại một kết quả có vẻ phù hợp (nghĩa là phải có 3 thông tin tôi nói trên).

Thông tin VPN Server, username, password đăng nhập tương ứng protocol PPTP

Đến đây tôi đoán có thể bạn đang chửi “Phun mọe cái link ra đi cho nhanh, làm trò mèo search cho mất thời gian của bố”. Vâng, chửi rất đúng và thật sự tôi cũng muốn làm vậy lắm vì dán cái link vào chắc nhanh gấp cả trăm lần so với cách tôi đang dùng. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh lại cụm từ quan trọng “dịch vụ miễn phí” chỉ tồn tại chừng nào nhà cung cấp còn có động lực/ hứng thú để duy trì. Việc tôi vừa mới sử dụng các thông số trên để kết nối VPN thành công không có nghĩa là từ đây đến ngày xuống hố tôi vẫn duy trì được kết nối VPN này (thực tế có khi tôi đứng dậy đi WC xong bước ra thì đã mất cha kết nối rồi). Do vậy bạn đừng ngạc nhiên nếu VPN đang xài ngon mà tèo giữa chừng nhé, cứ mặc định mở sẵn 1 tab Google để search nguồn thay thế thôi.

2. Không trả phí thì trả cái gì?

Mục 1 trên bạn đã biết vấn đề thứ 1 đối với VPN miễn phí đó là độ ổn định. Mỗi lần bạn mở kết nối đến VPN server miễn phí thì khó dám nói trước bạn có thể kết nối thành công hay không. Thậm chí, đang trong phiên kết nối thành công mà tự nhiên bạn bị đá văng cũng không có gì lạ. Giờ nếu chỉ quan tâm đến giai đoạn kết nối thành công, tôi nghĩ chắc bạn sẽ tự hỏi nhà cung cấp đào đâu ra chi phí để duy trì giai đoạn ổn định này? Loại trừ đi giả thuyết khoa học giả tưởng là nhà cung cấp dư tiền nên duy trì miễn phí VPN server, tôi nghĩ chỉ có một số khả năng chính cần xem xét như sau:

Level 1: Nhà cung cấp muốn thu hút thêm người dùng mới

Cấp độ này tôi nghĩ là “lành tính” nhất. Thay vì chi tiền cho các chiến dịch quảng cáo, nhà cung cấp dùng tiền này để duy trì hoạt động của VPN Server miễn phí trong một khoảng thời gian nhất định. Sau giai đoạn trăng mật đó, khi người dùng mới bước đầu đã quen thuộc với dịch vụ, đường truyền bắt đầu “vô tình” bị mất ổn định. Và khi sự mất ổn định đã đạt đến mức không chấp nhận được, người dùng bỗng nhận được thông tin khuyến mãi siêu hot để nâng cấp lên tài khoản trả phí với cả tấn ưu đãi mà giá cả lại hết sức phải chăng. Hoàn cảnh nó đưa đẩy như thế thì ai mà nỡ từ chối!!!

Level 2: Nhà cung cấp thu tiền từ quảng cáo

Cái này tôi nghĩ cũng dễ hình dung. Việc đặt thông tin quảng cáo ngay bên cạnh thông tin kết nối đến VPN Server miễn phí hay hiện pop-up quảng cáo dí vào mõm người dùng thực sự cũng không có gì quá lạ. Ác liệt hơn, một số nhà cung cấp còn “tiện tay” chuyển hướng dẫn người dùng đến một vùng đất xa lạ (lạ với người dùng nhưng quen thuộc với nhà cung cấp).

Level 3: Nhà cung cấp nuôi người dùng để giết thịt dần

Cấp độ này thật sự đáng lo ngại nhất. Bạn tìm đến VPN miễn phí với mong đợi các giải pháp bảo mật sẽ đỡ đạn cho bạn trước giang hồ hiểm ác nhưng nhà cung cấp bạn “hết sức tin tưởng” lại ngày đêm hì hục ghi log hết tất cả hoạt động và thông tin của bạn và quyết tâm không bao gi bán các dữ liệu quý giá này trừ khi được giá! Ngoài ra, còn có thể xuất hiện vấn đề cài cắm mã độc (ví dụ khi bạn sử dụng qua ứng dụng hoặc VPN Client) để chờ ngày tỏa sáng trên thiết bị của bạn.

3. Ai nên sử dụng dịch vụ miễn phí?

Từ Mục 1Mục 2 trên, bạn có thể thấy vấn đề chính nằm ở độ ổn định và vấn đề bảo mật (Level 3) của nhà cung cấp VPN miễn phí. Đối với Level 1 và 2, để ăn chùa thì bạn ráng chấp nhận thôi. Như vậy, tôi nghĩ đối tượng muốn xài chùa cần có 2 “phẩm chất” sau:

  • Độ ổn định không quá quan trọng: Tức là bạn thuộc dạng lâu lâu mới xài và mất kết nối giữa chừng cũng không ảnh hưởng nhiều lắm nên mỗi lần như vậy việc search tìm VPN Server miễn phí thay thế cũng không có vấn đề gì lớn. Nếu bạn đang nhen nhóm ý tưởng streaming hay torrent gì đấy với VPN miễn phí thì khả năng trúng uất ức thần chưởng là rất cao đấy;
  • Bản chất thông tin chuyển đến VPN Server không thực sự quan trọng: Nghĩa là cái log truy cập của bạn nếu rò ra cũng không làm bạn xỉu lên xỉu xuống. Ngoài ra, các thông tin quan trọng như dữ liệu liên quan đến việc xác thực các phiên đăng nhập của bạn cũng chắc chắc không được trao đổi với VPN Server.

4. Không sử dụng miễn phí thì biết sống sao?

Nếu đã xác định bạn thiếu 1 trong 2 (hoặc cả 2) “phẩm chất” đề cập ở Mục 3 thì việc sử dụng VPN miễn phí là khá khó chịu và mạo hiểm. Tưởng tượng bạn ngồi quán café sử dụng VPN để truy cập từ xa vào tài nguyên của công ty làm việc mà mạng cứ chập chờn thì chắc lộn cái bàn sớm. Hay thậm chí tưởng tượng đến viễn cảnh lạnh sống lưng là username password của bạn “vô tình” đáp xuống đâu đó khác với vị trí để xác thực của website đích đến.

Trong tình huống này, tôi nghĩ bạn ít nhiều cũng thuộc dạng sử dụng VPN chuyên nghiệp (tức là dùng VPN để kiếm ăn). Do vậy các giải pháp trả phí thật sự nên được xem xét. Vì chất lượng dịch vụ từng thời điểm có thể thay đổi nên tôi nghĩ bạn nên search với từ khóa như “top VPN 20xx” để cập nhật tình hình trước. Sau đó, bạn có thể lựa chọn 1 nhà cung cấp nào đó và bắt đầu đăng ký dùng thử để đánh giá trước khi chốt hạ.

Tùy chọn dùng thử của nhà cung cấp VPN

Ngoài ra, nếu bạn thuộc dạng thích chơi khó, giải pháp tự tạo VPN Server dựa trên Cloud Services (cái Cloud này nếu được tôi sẽ giới thiệu sau nhé) cũng có thể được xem xét. Hiển nhiên cách này đòi hỏi bạn phải tốn thêm một ít nơron để thiết lập tuy nhiên việc kiểm soát chặt chẽ VPN Server theo cách bạn muốn cũng đáng đồng tiền bát gạo. Hơn nữa, nếu làm tốt với cách này, có khi tốc độ VPN của bạn lại được cải thiện đáng kể mà chi phí lại mềm hơn đấy.

Tóm lại:

Muốn xài VPN chùa thì bạn nhớ kiểm tra kỹ Mục 3. Vấn để sử dụng trả phí tôi sẽ nghiên cứu và cập nhật thêm (nếu có thể) nhé.

3 thoughts on “Giải ngố VPN – Phần 3: 4 điều phải biết về giải pháp sử dụng miễn phí VPN”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *