NỘI DUNG
Kết thúc nội dung Giải ngố Cloud – Phần 1: Ngắn gọn thì Cloud là cái gì? Có ăn được không?, hy vọng bạn đã có thể hình dung sơ bộ ra Cloud là gì cũng như xác định xem mình có nhu cầu dùng Cloud hay không. Nếu câu trả lời là có thì bạn cần nghiên cứu kỹ 3 bước chuẩn bị quan trọng sau đây trước khi vác ass lên để bắt đầu hành trình “lên mây“.
1. Vấn đề đầu tiên: Tiền
Tất nhiên, tiền sẽ luôn là vấn đề đầu tiên cần xem xét. Nếu nhà bạn chẳng có gì ngoài điều kiện thì bạn có thể bỏ qua mục này để sang Vấn đề #2. Nếu bạn thuộc dạng phải chạy ăn từng bữa giống tôi thì đây là vấn đề tối quan trọng. Ở đây tôi giả sử có 2 tình huống:
1.1. Bạn sử dụng cá nhân:
Trường hợp này có thể ví dụ như sau khi theo dõi các nội dung về VPN, bạn quyết định sử dụng Cloud tạo VPN Server để một mình một ngựa vi vu cho sướng (trả tiền cũng sướng!). Tình huống này bạn nên ưu tiên nghiên cứu sử dụng các chương trình “Free Tier” của các nhà cung cấp trước khi quyết định xuống tiền. Thông tin về 3 nhà cung cấp phổ biến như sau:
1.1.1 Google Cloud Platform (GCP): https://cloud.google.com/free/
1.1.2 Amazon Web Services (AWS): https://aws.amazon.com/free/start-your-free-trial/
1.1.3 Microsoft Azure: https://aws.amazon.com/free/start-your-free-trial/
Đa số nhà cung cấp sẽ cho bạn xài chùa các dịch vụ phổ biến trong 12 tháng đồng thời còn bo thêm cho bạn vài trăm Mỹ kim xài chơi (xài dịch vụ của nhà cung cấp thôi nhé). Mấy cái này dù không nhiều nhưng nếu bạn tính kỹ thì chắc cũng qua được vài con trăng. Sau khi hết “Free Tier” thì hiển nhiên bạn phải bắt đầu móc ví thôi. Tốc độ đốt tiền của bạn sau đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc lên kế hoạch sử dụng ở Mục 2.
1.2. Bạn sử dụng cho công ty
Trường hợp này có thể ví dụ như bạn được phân công phân tích các dịch vụ hiện có để thực hiện việc huấn luyện và triển khai các Machine Learning model dựa trên ưu thế phần cứng của các nhà cung cấp Cloud. Với nhu cầu công ty thì “Free Tier” thật sự khó có thể giúp ích vì các dịch vụ chuyên biệt thường phí khá cao. Tuy nhiên, bạn lại có thể có lợi thế thông qua việc đàm phán giảm giá/ khuyến mãi với nhà cung cấp. Và hiển nhiên, nhớ yêu cầu demo trước khi chốt hợp đồng chứ xong hết rồi mới biết không đáp ứng yêu cầu thì sếp sẽ vặt lông bạn!
2. Vấn đề thứ hai: Lên kế hoạch sử dụng
Cái này tôi nghĩ đặc biệt quan trọng với Cloud vì thời điểm bạn chọn “Start” dịch vụ thì đồng hồ tính tiền cũng bắt đầu chạy. Do vậy đừng làm như kiểu ngồi nhà mở máy lên rồi đi pha café thơ thẩn cả buổi mới bắt đầu suy nghĩ giờ nên làm gì. Để bảo đảm một khi “Start” là có thể khai thác triệt để dịch vụ, bạn nên triển khai trước các bước sau:
2.1 Xác định trước các dịch vụ cần sử dụng
Ví dụ để làm VPN cá nhân thì bạn có thể sử dụng Compute Engine để tạo máy ảo sau đó thực hiện các thiết lập liên quan trên con server này. Với nhu cầu huấn luyện và triển khai các Machine Learning model nói trên thì ngoài việc sử dụng máy ảo tính toán, bạn có thể cần thêm dịch vụ lưu trữ dữ liệu huấn luyện chẳng hạn.
2.2 Xem tài liệu, hướng dẫn liên quan
Với thông tin sơ bộ từ Bước #2.1, bạn cần search tiếp các tài liệu liên quan (ví dụ search “GCP“+”Machine Learning“) để xác định chính xác các dịch vụ liên quan cần sử dụng.
2.3 Học một số khóa học liên quan
Nếu sau Bước #2.2 bạn đã nắm rõ cách làm rồi thì quá tốt. Trường hợp tất còn mù mờ hoặc do cái dịch vụ đó rắc rối quá thì bạn nên học thêm một số khóa học liên quan cho chắc. Bạn có thể tham khảo khóa học từ Coursera chẳng hạn. Trang này có cho học miễn phí dạng audit nếu bạn không cần chứng chỉ nhưng hình thức này có thể bị hạn chế truy cập một số nội dung. Bạn có thể chờ dịp khuyến mãi để đăng ký cho rẻ hoặc xuống tiền học lấy chứng chỉ luôn cho máu lửa.
3. Vấn đề thứ ba: Lên phương án chi trả
Với công ty thì hiển nhiên bạn cứ ngồi rung đùi chờ bộ phận hợp đồng xử lý thôi. Tuy nhiên, nếu phục vụ nhu cầu cá nhân thì bạn cần có một phương thức thanh toán quốc tế để sử dụng mấy cái chương trình “Free Tier” nói trên. Một số giải pháp có thể xem xét bao gồm.
3.1 Thẻ credit VISA/MASTER
Cái này thì chuẩn cmnr. Hiện nay, các ngân hàng ngày đêm ráo riết chào mời đăng ký mở thẻ nên một ông đút túi thẻ của 2-3 ngân hàng là bình thường. Với nhu cầu cá nhân thì tôi nghĩ hạn mức 10 triệu/ tháng cũng dư xăng rồi.
3.2 Thẻ credit “ảo”
Nếu bạn ngán ngại việc chìa thông tin thẻ lên internet thì có một số ngân hàng cung cấp dạng Virtual Prepaid Card. Cài này kiểu như thẻ để nạp vào trước rồi xài và con số cũng không cao nên nếu số nhọ bị rò thông tin thì bạn cũng kiểm soát được thiệt hại. Tuy nhiên bạn phải tốn công kiểm soát vì hạn dụng thẻ này thường ngắn và theo tôi biết thì tiền xài không hết cũng không được hoàn lại đâu nhé.
3.3 Paypal
Hình thức này cũng phục vụ đối tượng không muốn cung cấp thông tin thẻ lung tung. Bạn sẽ chỉ cung cấp cho 1 thằng là Paypal (nó banh thì bạn cũng tèo theo) rồi dùng tài khoản Paypal để xử lý. Nhìn chung tôi thấy cũng tiện nhưng đôi khi một số nhà cung cấp không hỗ trợ dạng này nhé.
OK, sau khi chuẩn bị xong các nội dung nói trên, tôi nghĩ bạn đã sẵn sàng “lên mây” rồi đấy. Trong kỳ tiếp theo tôi sẽ demo minh họa để bạn nhìn tận mắt xem Clould nó tròn méo như thế nào nhé.
1 thought on “Giải ngố Cloud – Phần 2: 3 bước chuẩn bị quan trọng để lên Cloud”