Giải ngố Cloud – Phần 3: Tạo máy ảo, kỹ năng cơ bản nhất cần phải biết cho người sống “trên mây”

Kết thúc Phần 2: 3 bước chuẩn bị quan trọng để lên Cloud, hy vọng bạn đã nghiên cứu các thông tin để chuẩn bị đủ hành trang “lên mây”. Giờ đây đã đến lúc bạn cần xắn tay áo lên để sờ mó xem cái Cloud nó như thế nào rồi đấy. Hiện tại, phạm vi các dịch vụ Cloud đã khá rộng (bạn có thể xem lại nội dung giới thiệu ở Phần 1: Ngắn gọn thì Cloud là cái gì? Có ăn được không? nếu quên) nên demo hết tất cả các loại hình là không khả thi về mặt thời gian (và chi phí!). Do vậy, trong phần này, tôi xin phép trình bày một dịch vụ tôi nghĩ là cơ bản nhất của người dùng Cloud đó là tạo máy ảo.

Máy ảo (Virtual Machine – VM) là gì?

Nếu bạn dạng pro, ngày đêm ăn ngủ với các chương trình ảo hóa như VMWare, Virtual Box thì bỏ qua phần này giùm tôi nhé. Còn nếu bạn là “gà mờ chân chính” cả đời chưa bao giờ nghe tới từ “máy ảo” thì có thể tham khảo cảm nhận về máy ảo của tôi như sau:

  • Chữ “Máy” cho biết đây cũng là máy tính nên sẽ có chức năng tương tự như máy thật của bạn, nghĩa là có hệ điều hành, có thể cài đặt phần mềm;
  • Chữ “Ảo” cho biết bạn không thể tiếp xúc vật lý với con máy này ví dụ như không thể “tháo RAM máy ảo để hút bụi?!”. Phần cứng của máy ảo thực tế là phần “ăn chặn” từ phần cứng của máy thật nên giới hạn sử dụng lý thuyết của máy ảo hiển nhiên không thể vượt thông số của máy thật;
  • Ông nội nào đẻ ra cái ý tượng máy ảo để làm gì: Tôi không chắc ai là tác giả nhưng nếu gặp ổng tôi cũng mời 1 ly café để cảm ơn vì nếu không có ổng chắc tôi phải bán hết nội tạng mới có đủ tiền mua phần cứng vọc vạch các hệ điều hành khác nhau hay nghiên cứu các nội dung liên quan đến mạng máy tính;
  •  Nếu bạn đặc biệt có hứng thú về máy ảo thì cứ comment để tôi nghiên cứu demo thêm với VMWare hoặc bạn cũng có thể hỏi chị Google để có các định nghĩa chi tiết hơn nhé. Trong phạm vi bài này, tôi xin phép không đề cập nhiều để tập trung vào phần Cloud

“Máy ảo trên mây” có gì mới?

Máy ảo trên mây cũng sẽ có tính chất tương tự như máy ảo tạo bằng phần mềm ảo hóa trên máy thật của bạn. Tuy nhiên chữ “trên mây” sẽ đưa việc ảo hóa lên một tầm cao mới (đúng nghĩa đen luôn, “lên mây” mà không cao thì còn ở đâu nữa). Như vậy, ở đây, thay vì “ăn chặn” phần cứng máy tính của bạn, máy ảo sẽ ăn phần cứng từ server của nhà cung cấp dịch vụ Cloud. Nghĩa là giờ đây bạn không còn phải lo lắng về việc chăm sóc, mông má các phần cứng vật lý nữa mà hãy để nhà cung cấp lo (nhưng bạn nhớ trả tiền).

Demo tạo máy ảo với Cloud

Trong Phần 2: 3 bước chuẩn bị quan trọng để lên Cloud tôi đã giới thiệu 3 nhà cung cấp lớn là Google Cloud Platform (GCP), Amazon Web Services (AWS)Microsoft Azure. Bạn có thể tùy chọn chương trình Free Tier của nhà cung cấp để thử nghiệm. Trong bài này tôi chọn demo với GCP nhưng nếu bạn chọn nhà cung cấp khác thì nguyên tắc làm cũng tương tự (tên gọi và giao diện có thể hơi khác nhé).

Tôi giả sử rằng bạn đã chuẩn bị phương thức thanh toán và đăng ký chương trình Free Tier tương ứng. Khi đó bạn có thể bắt tay vào làm theo các bước sau.

Bước 1:  Truy cập dịch vụ Compute Engine trong nhóm dịch vụ Compute

Từ trang GCPbạn click vào link Go to console sau đó chọn vào Menu bên cạnh chữ Google Cloud Platform rồi di chuyển xuống dịch vụ Compute Engine trong nhóm dịch vụ Compute.  Tại đây bạn chọn vào VM instanceCreate an instance để bắt đầu việc tạo máy ảo trên GCP.

Tùy chọn “Go to console” với GCP
Tạo VM instance từ Compute Engine của GCP

Bước 2:  Thiết lập thông số cho máy ảo

Giao diện có thể thay đổi đôi chút từ thời điểm tôi demo đến khi bạn thực hiện, tuy nhiên tôi nghĩ các thông số quan trọng sau đây sẽ luôn có trong quá trình tạo máy ảo:

  • Name: Tên máy ảo – Bạn thích cái gì thì đặt cái đó, nhưng cũng nên có ý nghĩa gì đó để sau này nhìn vô còn hiểu nó để làm gì
  • Region và Zone: Khu vực và vùng thì bạn cũng có thể tùy chọn. Tuy nhiên ở Việt Nam thì chọn Region Singapore sẽ khá hợp lý nếu bạn không có nhu cầu gì đặc biệt
  • Machine type:  Cái này rất quan trọng vì sẽ quyết định số tiền bạn phải phọt ra. Nhớ kiềm chế chọn cấu hình vừa đủ, đừng bốc đồng chọn max settings là bốc shit nhé. Nếu bạn không biết thế nào là vừa thì chọn cái nhỏ như micro trong hình minh họa. Sau khi sử dụng nếu thấy đuối quá thì tùy chỉnh tăng thêm sau cũng được. Nếu thích linh hoạt cấu hình thì bạn chọn Customize kế bên.
  • Boot disk: Chuẩn thì sử dụng 10 GB với Ubuntu cho ngon rẻ (chọn Windows thì bạn phải thêm phí)
  • Access scopesFirewall: Ở đây tôi demo thử nghiệm nên sẽ allow vô tội vạ. Khi sử dụng thật thì bạn cần tinh chỉnh lại theo nguyên lý cần thằng nào thì chỉ cho thằng đó
Thông số tạo VM Instance trong GCP

Phần Network ở đây cũng quan trọng nhưng vì demo tạo một máy ảo coi chơi nên tôi tạm bỏ qua. Nhập liệu xong bạn chọn Create rồi ngồi đó rung đùi chờ hệ thống xử lý.

Nếu không có gì bất ngờ thì bạn sẽ thấy danh sách các máy ảo kiểu như sau (lưu ý, phần Internal IP yêu cầu thêm cấu hình Network ở trên, bạn tạm bỏ qua nó cũng được).

Kết quả tạo VM Instance trong GCP

Như đã nói lúc chọn Machine type, nếu khi dùng thấy máy chạy như lết thì bạn có thể chọn vào máy ảo tương ứng, chọn Edit để thay đổi thông số cho phù hợp.

Tùy chọn hiệu chỉnh thông số của VM Instance trong GCP

Sau khi hoàn tất bước này thì xem như bạn nắm được phần cơ bản nhất khi “lên mây” rồi đấy. Trong kỳ tới tôi sẽ demo thêm một số thông số cũng như bắt đầu chọc ngoáy vào bên trong các con máy ảo này.

 

2 thoughts on “Giải ngố Cloud – Phần 3: Tạo máy ảo, kỹ năng cơ bản nhất cần phải biết cho người sống “trên mây””

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *