NỘI DUNG
Kết thúc Phần 6, tôi nghĩ giờ này chắc bạn đã có thể vi vu với con VPN Server “nhà làm” và đang cân nhắc bổ sung thêm VPN Client cho thiết bị khác hay thậm chí là chia sẻ cho “gấu” xài chung. Ngoài ra, để tránh trường hợp mới xài mấy tháng đã thấy mail báo tài khoản GCP Free Tier hết tiền, tôi nghĩ bạn cũng muốn nắm các nội dung cơ bản để quản lý cũng như khai thác triệt để con VPN Server trên GCP.
#1 Bổ sung VPN Client
Như tôi đã nói trên, tạo nguyên cả con VPN Server mà chỉ xài với 1 Client thì đúng là quá xa xỉ. Kiểu gì bạn cũng muốn bổ sung thêm Client trên thiết bị khác (ví dụ, ngoài laptop, bạn muốn chạy trên cả điện thoại) hoặc cho người quen sử dụng chung. Và để bổ sung VPN Client, bạn chỉ cần thực hiện lại các nội dung sau:
– Bước #2. Tạo Private Key và ký Certificate cho VPN Client trong Phần 4
– Bước #3 Tạo client config trong Phần 6
– Bước #4 Cài đặt phần mềm trên Clients trong Phần 6
Tất nhiên, thông tin cho từng Client trong các bước trên phải đồng nhất nhưng cũng cần bảo đảm không trùng tên với các Client hiện hữu. Ví dụ bạn đã tạo 1 Client tên “Client” thì giờ có thể bổ sung thêm các Client có tên “Client1”, “Android” hay “Gaucho”.
#2 Quản lý thời gian hoạt động của VPN Server
Việc đầu tiên, đơn giản, dễ hiểu đó là “tắt các thiết bị khi không có nhu cầu sử dụng”. Tôi nghĩ đến đây thì bạn chắc cũng đã nắm rõ việc này nhưng đây là nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sử dụng nên tôi muốn nhấn mạnh lại. Trước khi kết thúc phiên làm việc với VPN Server, tại khu vực quản lý VM Instance trong GCP Compute Engine, hãy chắc chắc bạn đã tick chọn đúng con VPN Server và Stop như sau.

Lưu ý: Bạn chịu khó ngồi chờ khoảng 30s cho đến khi VPN Server tắt xong như hình bên dưới để bảo đảm không có lỗi gì xảy ra nhé. Lần tới để mở lại thì hiển nhiên bạn tick chọn con VPN Server rồi chọn nút Start (bên trái nút Stop) là ok.

#3 Tinh chỉnh cấu hình của VPN Server
Ngoài việc quản lý thời gian hoạt động, bạn cũng cần xem xét tinh chỉnh cấu hình của con VPN Server, tránh tình trạng dùng “dao mổ trâu giết ruồi”.
Ở Mục #2.1 Thiết lập cấu hình cơ bản cho VM Instance của Phần 2, tôi có đề cập đoạn sau:
“… Machine type: tôi nghĩ bạn nên chọn “n1-standard-1 1 (vCPU, 3.75 GB Memory)” trước (cái này thay đổi sau được nên bạn không phải lo lắng lắm). Lưu ý nhìn sang bên phải bạn sẽ thấy cột “Estimated cost”. Để sử dụng làm VPN Server thì tôi nghĩ chọn “n1-standard-1 1 (vCPU, 3.75 GB Memory)” cũng khá ổn rồi. Với mức này nếu sử dụng hợp lý (tắt VM Instance khi không sử dụng VPN Server) thì tài khoản 300 USD nói trên sẽ có thể vừa khớp với khoảng thời gian 12 tháng …”
Vì con VPN Server chủ yếu chỉ có bạn (và có thể một vài cạ cứng của bạn) sử dụng nên cấu hình trên thực chất có thể hơi quá tay. Để kiểm tra, bạn có thể thử hạ cấp cấu hình của con VPN Server để xem hoạt động có bị ảnh hưởng gì không. Nếu vẫn ok thì hiển nhiên bạn phải giảm thông số cấu hình phần cứng thôi. Phần này GCP hỗ trợ rất tốt bạn có thể thực hiện đơn giản như sau.
– Click chọn con VPN Server (click chữ server trong trường hợp của tôi) từ khu vực quản lý VM Instance trong GCP Compute Engine. Lúc này bạn sẽ thấy thông tin chi tiết của con VPN Server đang được lựa chọn. Tại đây, bạn cũng sẽ có tùy chọn Edit để thay đổi các cấu hình liên quan.

– Sau khi chọn Edit, di chuyển xuống khu vực Machine Type, bạn sẽ có thể chỉnh cấu hình chuẩn đang sử dụng (n1-standard-1) xuống các cấu hình thấp hơn như g1-small và f1-micro.

– Nếu không thích cấu hình đề nghị của GCP, bạn có thể chọn Custom để thay đổi cấu hình tùy ý. Sau khi đã hài lòng với các thay đổi thì bạn kéo đến cuối trang để chọn Save các thay đổi.

– Lúc này, nếu không có gì bất ngờ, bạn sẽ thấy cấu hình con VPN Server đã cập nhật tương ứng (ở đây tôi chọn f1-micro).

– Bạn chọn nút “Back” ở góc trên bên trái để quay lại khu vực quản lý VM Instance trong GCP Compute Engine. Điểm hay của GCP hay Cloud nói chung đó là việc thay đổi cấu hình phần cứng vừa rồi không ảnh hưởng gì đến các thiết lập VPN Server bạn đã thực hiện. Lúc này bạn có thể chọn con VM Instance vừa mới cập nhật, Start và sử dụng bình thường như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
#4 Làm sao để “tận thu” con VM Instance
Sau khi thực hiện các bước để cân đối chi phí và hiệu năng nói trên, bạn có thể thấy số tiền 300 USD sẽ không tiêu hết sau 12 tháng (hết thì mất chứ không có chuyện bạn được lấy ra nhé). Dù đây là tiền chùa nhưng để mất không như thế thì “tội lỗi” quá. Do vậy, nếu bạn đang có kế hoạch thuê Web Hosting để vọc vạch làm Website cá nhân các kiểu (nếu chưa có thì bạn cũng nên có đi nhé, tôi thấy giờ thiên hạn cứ rần rần, người người, nhà nhà đều làm Website) thì đây chính là cơ hội vàng.
Điểm nhanh qua giá cả của các dịch vụ Cloud Virtual Private Server (VPS) giá mềm thì ít gì cũng xấp xỉ 5 USD/ tháng.

Lưu ý: Với VM Instance nói trên, thực tế bạn đang sử dụng tương đương với 1 con Cloud VPS chứ không phải dạng Shared Web Hosting giá rẻ đâu nhé.
Như vậy, lúc này bạn hoàn toàn có thể thiết lập thêm để con VM Instance ngoài việc làm VPN Server sẽ phải gánh thêm nhiệm vụ hosting Web Server cho bạn. Nếu có thể, tôi sẽ giới thiệu thêm về vấn đề này trong các kỳ tiếp theo nhé