Giải ngố Blockchain – Phần 6: Câu chuyện về Crypto wallets

Tiếp theo nội dung Giải ngố Blockchain – Phần 5: Đã có Bitcoin sao còn đẻ ra Ethereum làm gì?, kỳ này sẽ tôi sẽ giới thiệu một vấn đề quan trọng liên quan đến BlockchainCrypto wallets (tạm dịch là ví tiền mã hóa).

Nếu bạn đang nghĩ “Á à, thế ông định lùa gà, shill coin hay gì đây!” thì rất cám ơn vì đã đánh giá cao trình của tôi. Thú thật, trong lĩnh vực Blockchain nói chung và giới chơi coin nói riêng, tôi xác định rất rõ là mình đang nằm trong nhóm “gà” nên hiển nhiên khó mà lùa ai được (dù rất muốn làm thế).

Việc tôi đề cập đến Crypto wallets trong kỳ này chỉ đơn thuần vì đây là công cụ không thể thiếu để dạo chơi trong thế giới Blockchain đầy ảo diệu.

#1. Vấn đề đầu tiên – Tại sao cần Crypto wallets?

Như tôi vừa nói trên, Crypto wallets là công cụ bắt buộc để có thể tương tác với các blockchain network. Và đây cũng là chỗ khiến nhiều “coin thủ mùa vụ” đổ nợ vì Fear of missing out – FOMO sợ lỡ chuyến đò rồi nhắm mắt đưa chân nhờ anh/em xã hội “hỗ trợ” tạo giúp account???!

Nếu bạn đang lo rằng không có tiền nạp Cryptocurrency vào Crypto wallets để thử nghiệm thì tôi có một tin vui – Blockchain có một khái niệm gọi là Testnet cho phép người dùng “xin” token (ví dụ ETH) phục vụ mục đích thử nghiệm. Ở đây, tôi thấy cần nhấn mạnh một số ý quan trọng như sau:

  • Sẽ có các website cho phép bạn đăng ký nhận Testnet token để thử nghiệm. Tuy nhiên, chữ “TEST” to đùng ở đây hàm ý rằng cái này chỉ để thử nghiệm chứ không có giá trị để giao dịch như các token trên Mainnet. Do vậy nếu bạn đang ấp ủ ý tưởng xin Testnet token rồi lên các sàn bán lại lấy tiền thì dẹp lẹ giùm cho tôi nhờ;
  • Trường hợp chỉ thích người thật việc thật chơi trên Mainnet chứ không test tiếc gì sất thì bạn cũng vẫn có thể chiến bình thường với một con số nhỏ vì không ai bắt bạn phải mua một lần 1 ETH (hay 1 BTC???) cả. Vấn đề cần lưu ý là ngưỡng yêu cầu cho tác vụ bạn đang muốn thử nghiệm trên Blockchain cũng như Gas fee cần thiết để thực hiện các giao dịch. Việc này sẽ giúp bạn tránh rơi vào cảnh “”chưa đến chợ đã hết tiền” do không ước lượng trước mức Gas fee cần thiết (tôi sẽ giới thiệu về vấn đề này kỹ hơn sau).

Lưu ý: Bạn có thể xem thêm về Ethereum wallet tại Ethereum wallets | ethereum.org.

Ethereum wallet
Ethereum wallet

#2. Cơ chế hoạt động của Crypto wallets

Cơ chế hoạt động của crypto wallet nói chung sẽ dựa trên 2 phần quan trọng là public keyprivate key. Mỗi cặp public keyprivate key sẽ tương ứng với một account có trong crypto wallet và mỗi wallet sẽ có thể chứa nhiều account. Một lần nữa, bạn có thể bơi vô trang Ethereum wallets | ethereum.org để đọc thêm về nội dung này.

  • Cái public key sẽ là cơ sở để chế tác ra chuỗi account address (địa chỉ tài khoản) trong crypto wallet. Bạn có thể tra cứu các giao dịch liên quan (ví dụ như tra trên Etherscan) dựa trên cái account address này hoặc gửi cho các nhà hảo tâm nào muốn chuyển token cho bạn;
  • Cái private key là chìa khóa để bạn unlock khả năng động chạm đến tài sản thuộc về cái account address tương ứng. Điểm quan trọng ở đây là Blockchain nó chỉ quan tâm đến private key mà không quan tâm đến mặt mũi bạn ra sao hay bạn đang dùng thiết bị nào. Điều này dẫn đến một đặc điểm quan trọng là “ai nắm private key thì nắm quyền sinh sát với cái account tương ứng” (nghĩa là nếu bạn không muốn “bay acc” thì tuyệt đối không được để lộ private key);
  • Có một khái niệm quan trọng khác cũng liên quan đến private keyseed phrase (còn có tên gọi khác là secret recovery phrase, mnemonic seed hay mnemonic phrase). Về cơ bản, seed phrase (chuỗi bao gồm 12-24 từ ngẫu nhiên) là giải pháp để backup crypto wallet (lưu ý, tôi nhắc lại, một crypto wallet có thể chứa nhiều account). Tức là nếu vì lí do nào đó bạn mất khả năng truy cập vào crypto wallet đã tạo trước đó, bạn có thể load đám seed phrase vào một wallet tương thích để hốt lại đám account (và tiền?) có trong đó. Nguyên lý cơ bản ở đây là seed phrase của crypto wallet đóng vai trò như master key, có thể được sử dụng để tạo ra vô vàn private key tương ứng cho các account trong crypto wallet. Chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể đọc thêm trong nội dung bips/bip-0039.mediawiki at master · bitcoin/bips · GitHub.
bip-0039
bip-0039

Lưu ý: Bạn có thể xem thêm về public keyprivate key trong nội dung Giải ngố Pretty Good Privacy (PGP) – Phần 3:  Sử dụng PGP trong xác thực và chữ ký số như thế nào.

#3. Các thể loại Crypto wallets

Nhìn chung, có 3 dạng Crypto wallets phổ biến bao gồm:

  • Paper wallet (ví dạng giấy): Với dạng này, bạn sẽ in toàn bộ thông tin private key ra giấy. Đây là dạng cổ truyền, thường dành cho trường phái ăn chắc mặc bền có căn cứ bảo mật để ném ví giấy vào;
  • Hardware wallet (ví dạng phần cứng): Đây là loại bảo mật nhất nhưng tương đối bất tiện vì phải đầu tư mua hardware và phải cài đặt quản lý. Với loại này, nguyên tắc là bạn sẽ lưu private key vô phần cứng. Nhìn chung nhóm này tiện hơn Paper wallet và mức độ an toàn khá cao nếu sử dụng chuẩn. Đại diện phổ biến của nhóm này có thể kể đến các tên tuổi như Ledger, Trezor;
  • Software wallet (ví dạng phần mềm): Đây là loại phổ biến nhất vì tính tiện dụng và đa phần có kết nối internet. Nhóm này có thể phân thành các nhánh nhỏ hơn như Web wallet, Desktop walletMobile wallet.
    • Web wallet: Với đám này (ví dụ Binance website), bạn sẽ có thể sử dụng browser để truy cập sau khi tạo wallet và thiết lập password (và một số cơ chế bảo vệ khác) để truy cập. Với kiểu này, mấy ông cung cấp dịch vụ sẽ “quản lý giùm” cái private key thay cho bạn. Nếu bạn thấy chơi kiểu này ghê quá thì có thể tìm các service provider nào cho phép bạn tự quản lý key hoặc ít nhất cũng có vai trò nhất định (ví dụ sử dụng Multisig wallet) với tiền của bạn;
    • Desktop wallet: Với loại này (ví dụ Exodus), nguyên tắc là bạn sẽ cần cài đặt software cục bộ trên máy tính để nắm quyền quản lý key. Về phương diện bảo mật, cách này coi bộ ổn hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu bạn dùng thiết bị này xông pha khắp các mặt trận (ví dụ luyện phim sẽ!) mà không lưu ý vấn đề virus/malware thì cũng sẽ vỡ mồm;
    • Mobile wallet: Kiểu này (ví dụ Trust wallet) cũng tương tự như Desktop wallet nhưng bạn sẽ sử dụng các thiết bị kiểu như điện thoại thông minh để cài cắm. Và hiển nhiên, vấn đề tương tự với virus/malware cũng cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng nhóm wallet này.

Lưu ý: Bạn có thể xem thêm về virus/malware trong các nội dung Malware Archives – Dummytip.

Ngoài cách phân loại trên, bạn cũng có thể nghe giang hồ sử dụng thuật ngữ Hot wallet vs Cold wallet (tạm dịch là ví nóng và ví lạnh). Chữ Hot ở đây cơ bản muốn ám chỉ đến việc wallet có kết nối internet (kiểu Software wallet) nhằm thuận tiện cho các đối tượng có nhu cầu transfer (giao dịch) thường xuyên như các Trader. Và ngược lại, chữ Cold nhằm ám chỉ việc việc wallet không có kết nối internet (ví dụ kiểu sử dụng Hardware wallet) vốn dĩ phù hợp cho các Holder vốn dĩ thích găm hàng chờ thời trong thời gian dài.

Ban đầu, tôi định ngay sau khi khua môi múa mép giới thiệu các thể loại Crypto wallets sẽ xắn tay vô demo tạo thử một cái cho đỡ nhạt mồm. Tuy nhiên, sau khi quất thử một phát, tôi phát hiện ra có nhiều điểm quan trọng cần nói kỹ. Do vậy, tôi xin phép kết thúc luôn nội dung kỳ này ở đây để sang kỳ tới tôi có thể giới thiệu nội dung demo tạo Crypto wallets một cách trọn vẹn.

1 thought on “Giải ngố Blockchain – Phần 6: Câu chuyện về Crypto wallets”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *