Giải ngố Blockchain – Phần 1: 5 điều nhất định phải biết trước khi đầu tư Bitcoin năm 2020

Để mở đầu Sê-ri về Blockchain, tôi xin bàn về một nhân vật tiếng tăm sừng sỏ trong làng tiền mã hóa là Bitcoin. Sau một thời gian dài tung hoành chiếm gần hết các mặt báo, đồng tiền mã hóa Bitcoin đã hạ nhiệt và hiện có thể tạm xem là đang ở trạng thái ổn định. Tuy nhiên trận chiến khốc liệt giữa 2 trường phái “Bitcoin là tương lai” và “Bitcoin là lừa đảo” vẫn đang tiếp diễn. Dù thật sự rất khoái ý tưởng liều ăn nhiều với Bitcoin nhưng bản tính đa nghi nên theo dõi mấy năm rồi mà tôi vẫn đang trong giai đoạn “nghiên cứu”. Tôi nghĩ trên giang hồ hiện chắc cũng nhiều anh em đang trong tình trạng tương tự nên kỳ này tôi muốn trao đổi thêm về các vấn đề quan trọng mà tôi đã và đang trăn trở trước khi quyết định đầu tư vào Bitcoin (trước mắt chắc cỡ 1000 satoshi!).

Dao động giá Bitcoin
Dao động giá Bitcoin

#1. Bitcoin ở Việt Nam có hợp pháp không?

Như mọi khi, sau khi nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật liên quan, tôi vẫn duy trì quan điểm là các văn bản này chỉ để cho luật sư đọc, người thường mó vào chỉ tổ hại não chứ chẳng đi đến đâu. Do vậy, tôi lọ mọ đi tìm thêm một số nguồn thông tin khác và ghi nhận một đoạn trích dẫn liên quan như sau: “…tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm… Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư…” .

Bạn thấy đấy, cái này nó cũng không rõ ràng 100% nhưng tôi cảm nhận về cơ bản tinh thần của các cơ quan quản lý như sau:

– Đừng có hưng phấn quá mà dùng các loại tiền mã hóa (tôi không dùng từ tiền ảo vì nghe ảo quá!!!) làm phương tiện thanh toán như một số vị lúc trước định dùng Bitcoin thanh toán học phí thì ăn hành nhé;

– Chúng tôi (cơ quan quản lý) đã bảo rồi, bỏ tiền vào đấy mất thì đừng có bảo do định mệnh nhé!

Túm lại, hiện tại, việc bạn bỏ tiền mua Bitcoin cũng giống như mấy cha “kỳ quái” xuống 6 triệu USD mua cái hành tinh ảo Calypso trong game online Entropia Universe. Một số người sẽ thấy thứ họ mua là đáng tiền nhưng cũng sẽ có người hỏi “mày bị ngu hả?”.

#2. Giờ đào Bitcoin có ăn không?

Năm 2017 chứng kiến một cơn sốt vàng “số” khi nhà nhà đều vác GPU đi đào Bitcoin khiến cho đám gamer lên bờ xuống ruộng một thời gian vì có tiền cũng không mua được linh kiện. Tuy nhiên, hiện nay, độ phức tạp của việc đào Bitcoin (tôi trình bày vấn đề này sau nhé) kèm theo chi phí vận hành (điện, tản nhiệt) đều gia tăng khiến cho các “nông dân” đơn lẻ khó mà kiếm ăn được. Nếu bạn đủ nguồn lực để xây dựng cả một trang trại trâu cày đồng thời có được nguồn cấp điện giá rẻ cùng vị trí thuận lợi (khu vực có nhiệt độ thấp để dễ tản nhiệt) thì phương án đào coin mới có thể xem xét. Còn không thì chơi kiểu “hợp tác xã” với mấy thằng khác hoặc chuyển sang loại tiền mã hóa khác thì mới hy vọng có ăn.

"Nông dân" chân chính có còn đất sống với coin?
“Nông dân” chân chính có còn đất sống với coin?

#3. Có Trung tâm chăm sóc khách hàng không?

Cũng gần giống như Chữ ký số (Digital Signature), tận dụng nền tảng Pretty Good Privacy với Public KeyPrivate Key, Bitcoin hay tiền mã hóa có thể loại trừ vai trò trung gian của bên thứ 3 (cụ thể là các ngân hàng) trong các giao dịch tài chính. Điều này theo tôi nghĩ thì rất thú vị ở một số điểm sau:

– Giảm thời gian xử lý

– Giảm chi phí xử lý

– Tránh bị thao túng

Tuy nhiên, với đối tượng đặt vấn đề bảo mật lên hàng đầu, giải pháp dùng ví lạnh lưu trữ tiền mã hóa sẽ không có bên thứ 3 nên hiển nhiên không có Trung tâm chăm sóc khách hàng để chửi bới. Bạn chuyển nhầm hay mất private key thì thôi quên luôn cái ví lạnh đó đi nhé (vấn đề với ví nóng tôi đề cập ở Mục #4).

Lưu ý: Bài này có tính chất tổng quát nên tôi tạm gác lại các yếu tố kỹ thuật để làm rõ sau nhé. Trong bài này tôi chỉ đề cập đến khái niệm ví nóng, ví lạnh vì có liên quan đến một số vấn đề quan trọng. Đây là 2 dạng của ví tiền điện tử để chứa tiền mã hóa. Hiểu đơn giản thì ví nóng sẽ có kết nối internet để hỗ trợ tần suất giao dịch cao (thường thì sẽ thông qua các sàn giao dịch hoặc dịch vụ lưu trữ). Ví lạnh thì thường bạn sẽ tự quản lý. Lúc nào cần giao dịch thì lôi hàng ra, không thì giấu đi không cho giang hồ dòm ngó.

#4. Giữ Bitcoin có nguy cơ mất không?

Cái gì mà chả có nguy cơ mất. Quan trọng là nguy cơ cao hay thấp thôi. Một số mối nguy theo mức độ giảm dần bạn cần lưu ý như sau:

Lỗi đánh máy: Nói tránh thôi, chứ nói thẳng thì lỗi do bạn đấy. Các thông tin địa chỉ giao dịch và khóa phải bảo đảm chính xác tuyệt đối (copy & paste nhé). Bạn dùng mắt thường nhìn rồi gõ thì sớm muộn gì cũng bốc sh*t!

Lỗi ông trời: Nếu bạn chọn sử dụng ví nóng để lưu trữ tài sản trên các sàn thì mỗi ngày nên thắp hương cầu cái sàn đấy đừng nằm trong tầm ngắm của giới mộ điệu hacker nhé. Danh sách nạn nhân của các vụ hack sàn giao dịch tiền mã hóa đang ngày một dài ra nên nếu được thì bạn nên cân nhắc phương án ví lạnh nhé.

Lỗi định mệnh: Với sự xuất hiện của khái niệm tính toán lượng tử (Quantum computing) trong những năm gần đây đặc biệt là khi Google công bố đã đạt được ưu thế lượng tử, giới chức sắc trong làng tiền mã hóa đã có dịp đứng ngồi không yên trước giả thuyết Siêu máy tính lượng tử của Google hốt sạch đám Bitcoin còn lại trong 1 nốt nhạc. Thực hư việc này ra sao hiện chưa thể kết luận tuy nhiên mối nguy này không phải là không có cơ sở. Và nếu nó xảy ra thật thì đây đúng là lỗi định mệnh nên bạn phải chấp nhật thôi. Nếu muốn gỡ gạc chút đỉnh thì bạn có thể đầu tư thêm thời gian để nghiên cứu vật lý lượng tử dần dần để đến lúc đó có đất dụng võ nhé.

Máy tính lượng tử
Máy tính lượng tử

#5. Bitcoin là Blockchain à?

Đây là một câu hỏi dễ ăn gạch nhưng trên quan điểm cá nhân tôi nghĩ rất đáng hỏi đặc biệt đối với những người bắt đầu mò mẫm vào thế giới tiền mã hóa.

Câu trả lời ngắn gọn là “Không. Bitcoin không phải Blockchain”. Nói cho dông dài thì có một số ý sau:

– Bitcoin là tên một loại tiền mã hóa, không phải tên của một công nghệ;

– Blockchain là tên một công nghệ được dùng để tạo một số loại tiền mã hóa chứ không phải mỗi Bitcoin.

Bonus – Làm giàu không khó: Blockchain Developer (lập trình viên biết công nghệ blockchain) hiện đang là một mặt hàng hot. Tôi nghe đồn mức lương đâu đó có thể lên đến $5,000/ tháng. Tôi nghĩ sẵn đang có hứng nghiên cứu Bitcoin thì bạn học làm Blockchain Developer rồi mỗi tháng trích $4,000 mua Bitcoin thì vài năm nữa có khi bạn thành triệu phú đô la không chừng!

Làm giàu không khó với Blockchain Developer
Làm giàu không khó với Blockchain Developer

2 thoughts on “Giải ngố Blockchain – Phần 1: 5 điều nhất định phải biết trước khi đầu tư Bitcoin năm 2020”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *