NỘI DUNG
Nhân dịp đội xanh Intel đang sồn sồn chuẩn bị ra mắt đám CPU 11th hiệu năng cao, kỳ này tôi đổi gió chủ đề chuyển sang chém tí về vấn đề lựa chọn CPU.
#1 Tiến trình vi xử lý có thật sự quan trọng?
Nếu bạn có để ý, mấy năm gần đây giang hồ dậy sóng với cuộc chiến ác liệt của đội xanh (Intel) và đội đỏ (AMD). Trên quan điểm người dùng cá nhân, thú thật tôi rất khoái thế trận giằng co này. Hai ông xanh và đỏ cứ húc nhau thật lực và tiếp tục “bán phá giá” cho tôi nhờ.
Ngoài vấn đề giá cả, có một thứ được dân tình quan tâm cũng không kém đó là tiến trình vi xử lý (lithography). Đây là vị trí mà đội đỏ bón vô số hành cho đội xanh với việc đã rộng rãi triển khai tiến trình 7nm trong khi đội xanh vẫn đang trăn trở với 2 phương án 10 hay 14nm.
Về cơ bản, tiến trình nhỏ hơn sẽ cho phép giảm kích thước CPU đồng nghĩa với việc tăng mật độ bán dẫn và tăng số nhân. Tuy nhiên nếu vì vậy mà kết luận ngay Intel đã thua sấp mặt thì không hẳn vì bản thân tiến trình của từng hãng có thể khác nhau nhiều thứ chứ không phải chỉ có mỗi con số đứng trước “nm”.
Điểm cần thứ 2 bạn cần lưu ý là tiến trình nhỏ không đồng nghĩa với hiệu năng cao vì ngoài mật độ bóng bán dẫn, các vấn đề khác như mức tiêu thụ điện năng, dòng điện, …cũng là yếu tố quan trọng.
#2 Core number và Clock speed cái nào quan trọng hơn?
Từ đầu đến giờ tôi nói dông dài thế thôi chứ tóm lại là so kèo CPU thì chỉ nhìn con số tiến trình vi xử lý là chưa đủ. Vậy nếu không nhìn vào đó thì nhìn vào đâu hở các cụ? Xin thưa, có nhiều vị trí để nhìn nhưng với “người thường”, có 2 vị trí quan trong cần nhìn đó là:
- Số nhân (Core number)
- Tốc độ xử lý của nhân (Clock speed)
Nếu bạn dư tiền, hiển nhiên cứ xúc mấy con CPU nhiều core và clock speed cao nhất có thể chứ chẳng có gì phải nghĩ cả. Nếu gia đình bạn không có điều kiện (giống tôi), việc lựa chọn cân đối giữa 2 yếu tố này là vấn đề quan trọng. Nếu bạn hỏi Core number vs Clock speed cái nào quan trọng hơn thì câu này không dễ trả lời. Thực tế cái này sẽ phụ thuộc vào nhu cầu từng người. Người cần chạy ứng dụng Single-thread nặng nề (ví dụ như phần lớn game) sẽ cần Clock speed cao trong khi các ứng dụng Multi-thread sẽ tận dụng tối đa Core number để đẩy nhanh tốc độ xử lý.
Ngoài ra, đối với con số Clock speed, bạn cũng cần hết sức cảnh giác. Đôi khi so sánh giá trị lý thuyết (do 2 ông xanh/ đỏ công bố) sẽ có sai lệch vì Clock speed trong hệ thống thực tế sẽ còn phụ thuộc vào các vấn đề khác như Thermal Design Power – TDP hay khả năng xử lý tản nhiệt. Điều này được minh họa với trường hợp con laptop Dell Precision 3551 chạy i9-10885H như trong bài test của PCMag.com dưới đây.
Như bạn thấy, trong tình huống này, hiệu năng sẽ không tương xứng cho số tiền bỏ ra do con i9-10885H bị thọt khi Precision 3551 chạy với Thermal Design Power – TDP hiệu chỉnh 35 W (thay vì mức 45 W như thông thường).
#3 Ngoài xem tiến trình, Core number và Clock speed thì còn gì nữa?
Câu chuyện đến đây vẫn chưa kết thúc. CPU bản thân nó là tiêu chí quan trọng, quyết định khả năng hỗ trợ các công nghệ của hệ thống nên bạn cần phải xem xét thêm các thông tin khác. Tôi lấy ví dụ minh họa 2 dòng Comet Lake và Ice Lake của CPU 10th Gen với các thông số quan trọng về loại/ mức RAM và Processor Graphics.
Thông số | Dòng Comet Lake | Dòng Ice Lake |
Đại diện minh họa | i7-10850H | i7-1068NG7 |
Tiến trình | 14nm | 10nm |
Loại RAM | DDR4-2933 | DDR4-3200, LPDDR43733 |
Mức RAM hỗ trợ | 128GB | 64 GB |
Processor Graphics | Intel® UHD Graphics | Intel® Iris® Plus Graphics |
Góc bốc phốt: Đến đấy chắc bạn đã đoán ra tôi là fan cứng của đội xanh vì từ đầu đến giờ toàn minh họa với CPU của Intel.
Ngoài đám trên, bạn cũng cần coi thêm một số tính năng khác của đám CPU để xác định có phù hợp với kế hoạch sử dụng tương lai gần. Ví dụ với Comet Lake-H series với Wifi 6 AX201 sẽ cho phép bạn song kiếm hợp bích với một con Router chạy được Wifi 6 chẳng hạn.
Chương trình chém gió đặc biệt nhân dịp sắp sang năm Trẻ Trâu – Tân Sửu của tôi đến đây là kết thúc. Hẹn gặp lại bạn trong các chủ đề hại não ở các kỳ sắp tới.