NỘI DUNG
Nếu bạn thuộc nhóm người làm việc ít nhiều cũng đụng đến máy tính thì tôi nghĩ cụm từ “địa chỉ IP” chắc cũng không xa lạ gì. Một kịch bản khá quen thuộc với nhiều người là sáng sớm mới kéo ghế ngồi vào bàn định vừa gặm bánh mì vừa đọc báo thì nguyên dòng chữ kiểu như “Windows has detected an IP address conflict” nó tọng thẳng vào mồm. Bạn có thể dùng nội lực thâm hậu của mình (và Google) để giải quyết vấn đề hay đơn giản hơn là ngoác mồm lên chửi ông quản lý mạng công ty. Và tôi tin rằng lúc đó, sâu thẳm trong tiềm thức, có thể bạn đang thầm hỏi 1 câu hỏi đắt giá: “Địa chỉ IP là cái vẹo gì?“. Vâng, bài viết này chính là câu trả lời cho hỏi trong tiềm thức của bạn đấy.
1. Địa chỉ IP dùng để làm gì
Nếu tạm thời đừng để ý chữ IP đi thì bạn có thể hiểu đại khái nó cũng như 1 cái địa chỉ nhà thông thường. Cái chữ IP rắc rối nó được mấy ông hay vẽ vời diễn giải qua 2 mô hình phổ biến là OSI và TCP/IP như sau.
Cái mớ lằng ngoằng ở trên cho thấy cái “địa chỉ” mà bạn đang tìm hiểu có vẻ không phải dành cho “người thường”. Tuy nhiên bạn đừng lo lắng vì tôi không có ý định lặn ngụp vào 2 cái model ở trên đâu. Cái duy nhất tôi muốn nói ở đây là địa chỉ IP sẽ xuất hiện và được dùng như chỉ dẫn cho các hoạt động của các gói tin (packets) ở tầng Network của OSI model hay tầng Internet của TCP/IP model.
Như vậy bạn có thể tạm hiểu cái packets trong hệ thống mạng máy tính sẽ dùng địa chỉ IP để biết đường đi lối về giống như bạn nhập địa chỉ điểm đón và trả khách mỗi khi đặt xe Grab ấy.
2. Public IP và Private IP khác nhau thế nào
Public IP
Public IP có tính độc nhất trên toàn bộ Internet và được dùng định danh bạn trong thế giới số giống như sổ hộ chiếu ở thế giới bên ngoài. Cái Public IP này bạn không được tự ý sáng tác mà nhà cung cấp Internet ISP sẽ cấp phát theo định dạng quy định với 2 hình thức sau.
Dynamic Public IP
Phần lớn người dùng sẽ sử dụng dạng Public IP động (Dynamic) vì chi phí sẽ thấp hơn dạng tĩnh (Static). Địa chỉ động dạng này sẽ có thể thay đổi khi khi bật/ tắt kết nối đến Internet. Bạn có thể sử dụng một số trang web như https://www.whatismyip.com để kiểm tra nhanh Public IP của mình và các thông tin như Location, ISP như sau.
Static Public IP
Với dạng IP tĩnh này, thường bạn phải có yêu cầu cụ thể trong hợp đồng với ISP (và hiển nhiên trả thêm tiền!). Loại Static Public IP thường sử dụng các dạng nhu cầu như Web Server hay VPN Server (bạn có thể xem Giải ngố VPN – Phần 1: VPN là gì? 3 điều quan trọng nhất định phải biết trước khi xài VPN nếu chưa biết VPN là gì). Về cách xem thông tin Static Public IP thì bạn có thể xem trên hợp đồng với ISP, kiểm tra như trên Dynamic Public IP hay xem tương ứng với External IP của GCP trong Giải ngố Cloud – Phần 4: Máy ảo trên Cloud để làm gì (tiếp theo).
Private IP
Cái tên nói lên tất cả nhé. Private IP dùng để sử dụng trong mạng riêng như mạng LAN công ty, gia đình (nhưng không dùng để định tuyến trên Internet như Public IP nhé). Cái này thì bạn được “tự do lựa chọn trong khuôn khổ” theo bảng tham khảo sau. Thông thường nếu sử dụng gia đình hay công ty nhỏ thì Class C sẽ là lựa chọn phổ biến.
Private IP cũng có 2 dạng Dynamic/Static và thường thì bạn cũng có thể chủ động quyết định thông qua việc cấu hình như minh họa trong Windows:
Dynamic: Tick chọn “Obtain an IP address automatically” (sẽ có “DHCP server” làm việc thay bạn)
Static: Tick chọn “Use the following IP address” sau đó cung cấp thông tin “IP address“, “Subnet mask” và “Default Gateway”
Phần “DHCP server“, “Subnet mask” và “Default Gateway” tôi trình bày sau nhé. Cắt ngang chỗ này để nói thì mất hứng quá!
Về kiểm tra thông tin Private IP thì khá đơn giản. Trên Windows thì bạn chỉ cần mở cmd và gõ “ipconfig” rồi xem thông tin tương ứng (Trên Linux thì bạn có thể chạy “ifconfig” trên Terminal nhé)
3. Vì sao cần IP version 6
Như bạn đã biết (nếu chưa thì bây giờ biết nhé) thì hiện đang tồn tại 2 phiên bản địa chỉ IP là IP version 4 (IPv4) và IP version 4 (IPv6) với phần lớn các hoạt động hiện tại vẫn đang dựa trên nền tảng của IPv4. Vì vậy, câu hỏi đầu tiên cần trả lời ngay là IPv4 đang chạy ngon thì đẻ ra cái IPv6 làm gì?
Thực ra “ngon” ở đây chỉ đúng với người dùng thông thường chứ với tốc độ gia tăng thiết bị kết nối Internet hiện tại thì mấy cha phụ trách cấp phát Public IP đang xanh đít vì sự cạn kiệt nguồn cung IPv4.
Do vậy giải pháp IPv6 với không gian địa chỉ 128-bit (so với 32-bit của IPv4) thực sự là “ánh sáng cuối đường hầm” cho các tổ chức quản lý cấp phát Public IP hiện nay dù cho việc triển khai thay thế hoàn toàn IPv4 cũng không hề đơn giản.
Việc phân tích chi tiết cấu trúc 2 dạng địa chỉ IPv4 và IPv6 sẽ khá dài nên tôi xin khất sang kỳ tiếp theo.
4 thoughts on “Giải ngố địa chỉ IP (Internet Protocol address) – Phần 1: 3 điều quan trọng nhất cần phải biết”